Đau đáu và trĩu nặng trong hành trang cuộc sống của Nghĩa là nỗi niềm ký ức của người con xa quê với những kỉ niệm rất đỗi thân thương, bình dị.

  Tuổi trẻ vốn đam mê và tràn đầy nhiệt huyết. Một người trẻ mê văn chương và đã dám dấn thân vì văn chương như Nghĩa là điều mà không ai cũng làm được. Tôi rất quý Nghĩa ở điểm này. Một tác giả trẻ thuộc thế hệ 8x với những mảnh ghép bề bộn của ký ức tâm hồn.
   
  Trương Trọng Nghĩa sinh năm 1983, tại Chợ Gạo- Tiền Giang. Hiện đang công tác tại Hội VHNT Tiền Giang. Trẻ trung và đam mê văn chương. Nhưng quan trọng hơn thế vì Nghĩa sớm khẳng định được năng lực của mình qua những giải thưởng Thơ của: Hội VHNT Tiền Giang năm 2000, Báo Mực Tím 2001,Tạp chí tài Hoa Trẻ năm 2006. Nghĩa là đại biểu duy nhất của tỉnh Tiền Giang tham dự Hội Nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần VII tổ chức ở Hội An (5/2006). Các bạn trẻ yêu thơ xin mời ghé lại địa chỉ Website:www.thotre.com của Trương Trọng Nghĩa.
   
  Những mảnh ghép không logic là tập thơ đầu tay của Nghĩa vừa mới được NXB Văn Nghệ TP.HCM và Hội VHNT Tiền Giang phối hợp phát hành. Tác phẩm là tập hợp những bài thơ được làm trong khoảng thời gian từ 1999-2006. Đó là những mảnh tâm trạng của ký ức và nỗi nhớ quê da diết. Nghĩa khai thác những góc khuất của tâm hồn bằng tất cả sự cảm nhận tinh tế và nhạy cảm. Đọc tác phẩm ta sẽ nhận ra lăng kính thơ của anh đa dạng và rộng. Tác phẩm đã khái quát hai mảng đề tài lớn là: Ký ức làng và Những gương mặt phố. 
   
  Đau đáu và trĩu nặng trong hành trang cuộc sống của Nghĩa là nỗi niềm ký ức của người con xa quê với những kỉ niệm rất đỗi thân thương, bình dị: "Tôi trở về bắt những con cà cuống ngoài đồng/ Ngày xưa bữa cơm chiều/ Mẹ nướng dầm nước mắm/ Mùi rơm rạ len vào miền sâu thẳm/ Ký ức tuổi thơ…”. Đi về phía tuổi thơ với biết bao ưu tư, trước sự phát triển tất yếu của cuộc sống để rồi tâm hồn đa cảm ấy mang nặng một nỗi niềm: "Tôi đi về phía làng/ Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy” (Phía sau làng). Và hình ảnh con sông quê hương thân thuộc với biết bao kỉ niệm tuổi thơ mà dòng trôi năm tháng cứ vô tình cuốn đi, đi mãi: 
   
  " Hoa bần xưa giờ vẫn còn trôi 
  Cần vó treo tuổi thơ tôi mắc cạn
  Khúc sông nhỏ mà tình yêu thì vô hạn
  Nên miên man ở phía bãi bồi.
  Tôi – chú cá lìm kìm mãi đùa bóng nước
  Biết ai giữ giùm con sóng nhỏ ngày xa?”
                                              ( Ký ức sông)
   
  Đề tài không mới nhưng thơ Nghĩa thì mới khi anh biết dụng chữ nghĩa với tất cả sự chắt lọc, nhạy và giàu sức gợi. Hãy xem Nghĩa dùng hình ảnh: "Con cá thòi lòi quẫy đuôi vào nỗi nhớ”. Hay khi anh viết về cha với công việc nhà nông quen thuộc: "Hạt lại gieo hối hả/ Giọt mồ hôi ba lấp lánh những mùa vàng…”. Hoặc hình ảnh bàn tay của người mẹ quê mộc mạc, tảo tần: "Đôi bàn tay mẹ/ Dẫu ngón trỏ bám phèn/ Ngón giữa lấm lem/ Ngón út dính đầy mủ chuối/ Mẹ vẫn luôn dạy các con giữ mình sạch trong…”
   
  Rời làng quê với những hình ảnh đẹp nên thơ, êm ả với dòng sông, bến nước và câu vọng cổ mùi mẩn trên dòng sông Tiền giữa đêm trăng như tạm khép lại khung trời kỉ niệm. Một phần khác trong chuỗi những mảnh ghép mà Nghĩa tự cho là không logic là hình ảnh những gương mặt phố. 
   
  Phố mở ra một không gian mới với những toà nhà cao tầng, đông đúc xe cộ, bề bộn lo toan, nhịp sống hối hả và tâm trạng ngột ngạt. Nơi mà: "Những buổi chiều thiếu không gian/ Hồn tôi mộng du trên nóc những tầng cao ốc … Từng mảng ký ức mốc meo phía ngày nắng tắt/ Đàn chim câu cũng đã bay đi/ Tôi- chiếc lá mang nhiều mặc cảm/ Rơi không ý tưởng giữa một chiều hư vô” (Những buổi chiều không ý tưởng). Ở phố người trẻ phải đối diện với những nỗi buôn, sự đơn độc sau những thời khắc ồn ào náo nhiệt. Những bài: độc ẩm trong đêm, độc thoại đêm,, nỗi nhớ, ký ức,cơn ác mộng  … là nỗi ám ảnh và dằn vặt, một tâm trạng đang cần sự sẻ chia, đồng điệu giữa mớ hỗn tạp tầm thường. Mong sao đó chỉ là một giấc mơ, một thế giới ảo xoa dịu tâm hồn chúng ta mỗi khi  tuyệt vọng và cô đơn trước đám đông. Và bạn có từng một lần, như Nghĩa, phải hét lên trong nỗi nhớ giữa thế giới phẳng @: 
   
  Save nỗi nhớ vào hết cả bốn ngăn tim
  Sao vẫn thấy lòng mình trống rỗng?
  Muốn hét to trên chatroom công cộng:
  " Trời ơi! Nhớ quá một người …” 
   
  LÊ MINH VŨ
  Bài đăng trên báo Bình Dương
Báo chí & Tôi | Nhận xét(0) | Trích dẫn(0) | Đọc(7132)
Viết nhận xét
Hình vui
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemot
Mở HTML
Mở UBB
Mở hình vui
Ẩn giấu
Hãy nhớ
Tên gọi   Mật khẩu   Khách không cần mật khẩu
Địa chỉ web   Email   [Đăng ký]