Nhà Xuất bản Văn Nghệ và Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang vừa ra mắt tập thơ đầu tay của nhà thơ trẻ Trương Trọng Nghĩa.

  Tập thơ nhỏ, in đẹp, trình bày trang nhã có các phụ bản ảnh tinh tế, dung chứa 41 tâm tình “lắp ghép” trong hơn 6 năm mới thành mà chưa logic!
  
  Vẫn là mới tinh và dìu dặt khi Nghĩa viết về làng, về sông, về em, về quê hương “gian khó một thời” mà chàng trai 24 tuổi canh cánh bên lòng:

  Tôi đi về phía tuổi thơ
  Giẫm lên dấu chân
  Những đứa bạn đã rời làng kiếm sống
  Đất không đủ cho sức trai cày ruộng
  Mồ hôi chẳng hóa thành bát cơm no…

  Ngay những trang đầu tập thơ, hơi thở Trương Trọng Nghĩa đã nghe bắt đầu trúc trắc, thậm chí buồn:

  Thôn nữ bây giờ không còn hát dân ca
  Cũng thôi để tóc dài ngang lưng nữa …

  Trương Trọng Nghĩa rất thật lòng, bình dị đến nôn nao khi viết về làng nghề:

  Ông nói vui mà tôi nghe thật buồn.
  “Bây giờ cha truyền
  Nhưng con cái chắc gì chịu nối”
  Sông càng chảy càng xa nguồn cội
  Con sãi ở chùa chẳng còn quét lá đa…

  Nghĩa nhìn anh nông dân lái máy cày cày ruộng mà như vẽ tranh, vẽ những đường loằng ngoằng, những nét lổm chổm, những gam màu nâu đen mà ước mình được làm hạt giống tốt để gieo mùa vàng và chợt thấy “Những luống cày hình xoắn ốc/Nở hoa”… Quả là tình quê ấy không phải ai cũng có!

  Với con sông quê, Nghĩa nhớ mùa lũ tới, mang phù sa mới, hàng dừa, giàn mướp bên sông xưa, tác giả bắt con chuồn chuồn cho cắn rún để biết lội; hoa bần, cần vó, chú cá lìm kìm, cá thòi lòi vẫn còn đó… nhưng con sông đã trôi tuổi thơ anh bao mùa rồi! Đặc biệt, bên dòng sông đó, có người con gái ngồi giặt áo, anh từng tặng hoa mua, nhưng:

  Rồi em cũng có chồng, có con
  Ngày gặp lại, anh thành “người cũ”
  Thương em suốt một đời lam lũ
  Lặn lội thân cò mặn giọt mồ hôi…

  Trương Trọng Nghĩa dường như chưa ra khỏi góc quê hương bé nhỏ của anh, dù ở đó, cuộc đời mẹ anh, một chuỗi lo âu cơ cực, bao năm bám đất, bưng bát cơm nghe nặng nghĩa tình, nghe vị mặn thấm đau đầu lưỡi; ở đó, có chị của anh tảo tần nuôi con trai, kết quả một cuộc tình trắc trở; ở đó, con trở về tay chạm mảnh hồn làng, đau đáu giấc mơ trong nỗi nhớ… khắc khoải tuổi thơ; ở đó, mùa lũ, những giấc mơ chìm trong nước, cha anh kê đồ đạc trong nhà, lên gác; mẹ anh, chị anh bơi xuồng gặt lúa chạy lũ ngoài đồng… làm se thắt lòng anh.

  Với riêng mẹ Nghĩa, bài “Đôi bàn tay mẹ” là bài thơ hay. Bàn tay mẹ anh có mùi bùn non vì mẹ cấy đồng sâu lâu ngày; có mùi khét nắng vì trưa đổ lửa; có mùi tanh nồng vì tay mẹ vẫn bắt cá sặt, cá rô; có hương gạo mới; có mùi khói rơm nồng nàn; có mùi dầu phong thấp mẹ xoa chân tay đau khớp mỗi đêm. Chi tiết hơn, anh thấy bàn tay mẹ ngón trỏ bám phèn, ngón giữa lấm lem, ngón út dính đầy mủ chuối, vậy mà … khi vuốt tóc anh, đôi bàn tay ấy vẫn êm như ru và mẹ nói “các con hãy giữ mình sạch trong”. Ôi, bà mẹ Nghĩa tuyệt vời tột bực.

  Từ tình quê mơn man đó, Nghĩa đi làm trên phố, anh luôn muốn tìm cái mới, cái cao hơn cho cuộc đời mỗi ngày. Sáng ra, ngồi nhìn những giọt cà phê tan, tan, tan, anh đã hỏi: Tại sao một ngày cứ phải bắt đầu bằng những tia nắng chán phèo, những tầng cao thành phố, dưới đó, dòng người rượt đuổi nhau hối hả, nhập nhàng, sao chỉ có tiếng nhạc não tình nghe rất sến?… Cái tuổi 24 đã hiện lên hoài bão, nên ở bài thơ khác, những điệp khúc vui xuất hiện:

  Bóng tối tan dần theo tiếng động cơ
  Vướng lại trên phin cà phê sáng
  Ngày bắt đầu từ động tác khỏe khoắn…
  Bên cửa sổ một ngày mới lên
  Những giọt nắng long lanh
  Trong đôi mắt cô bé nhà kế bên …

  Và anh tự tin hơn rất nhiều khi viết:

  Tôi đi qua những mùa nắng hanh hao
  Về đứng giữa đất trời mênh mông
  Tự hát…

  Trong mấy chục bài thơ của Nghĩa, có một bài thơ được Quỳnh Hợp phổ nhạc, tôi bắt gặp Tình Yêu của Nghĩa, người con gái có đôi mắt ướt, có mái tóc dài ngang lưng, có nụ cười quá đẹp, có tiếng nói như sơn ca hót và dường như anh vẫn chưa chạm lần nào.

  Gió đâu gió mát sau lưng
  Nhớ ai như “nhớ người dưng” vậy “khờ”.

  Không, chắc cũng nên thông cảm Nghĩa, năm nay Nghĩa mới 24, nhút nhát vậy cũng là dễ hiểu.

  Phần sau tập thơ là “Cõi ảo” của Nghĩa, đúng là phần mà anh cho là “những mảnh ghép không logic” trong anh. Dù sao, tập thơ đầu tay cũng cho thấy một Trương Trọng Nghĩa nặng tình, thứ tình quê chơn chất mà những ngày xưa rất xa, tôi cũng có. Nên đồng cảm.

   

  Nhà thơ Trần Anh Tài
  (Báo Khoa học phổ thông)

Báo chí & Tôi | Nhận xét(0) | Trích dẫn(0) | Đọc(6219)
Viết nhận xét
Hình vui
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemot
Mở HTML
Mở UBB
Mở hình vui
Ẩn giấu
Hãy nhớ
Tên gọi   Mật khẩu   Khách không cần mật khẩu
Địa chỉ web   Email   [Đăng ký]